Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử xã Trà Tập

Chi tiết tin

Bảo vệ thương hiệu, phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là loại sâm đặc hữu của Việt Nam. Các nhà khoa học đã xác định trong cấu trúc sâm Ngọc Linh có 26 hợp chất giống với sâm Triều Tiên, sâm Mỹ hay sâm Nhật và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới, không bắt gặp ở các loại sâm khác. Tuy nhiên, giá trị kinh tế cây sâm núi vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Đây là một thử thách lớn với huyện Nam Trà My nói riêng và cả Việt Nam nói chung trong việc đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn ra tầm thế giới.

Ngày 5/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định số 787/QĐ-TT phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia, trong đó có sâm Ngọc Linh. Và đây là một trong 5 loại thảo mộc tốt nhất thế giới, công dụng hiệu quả đối với sức khỏe. Theo nghiên cứu, sâm Ngọc Linh gồm có 50 hợp chất saponin, 17 axid amin, 20 chất khoáng vi lượng và nhiều hoạt chất có hàm lượng bổ dưỡng cao.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó GĐ Công ty cổ phần Dược liệu Quảng Nam cho biết: "Đối với một sản phẩm sâm Ngọc Linh mang tầm quốc gia và đã được nhiều nhà khoa học kiểm chứng về hàm lượng saponin vượt trội hơn so với các sản phẩm sâm khác. Chắc chắn, sâm Ngọc Linh sẽ được sản xuất ra rất nhiều sản phẩm dược liệu, cho nên tính hiệu quả kinh tế rất là cao. Vì thế, công ty quyết định đầu tư."

Chính vì tiềm năng lớn từ loài thảo mộc quý hiếm này. Chính phủ đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mức đầu tư 9 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, diện tích trồng sâm dưới tán rừng già trên đỉnh Ngọc Linh sẽ tăng lên khoảng 16 nghìn héc ta vào năm 2020. Tuy nhiên, để các sản phẩm từ sâm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và tham gia điều trị các bệnh nan y thì đến giờ vẫn còn bỏ ngõ.

Ông Hồ Quang Bưởu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết: "Hiện nay, sâm phù hợp với 3 nhóm sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm. Trên thị trường, có một số doanh nghiệp đang nghiên cứu về thực phẩm chức năng còn riêng lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm cũng đang nghiên cứu, chưa đa dạng sản phẩm được."

Sâm Ngọc Linh có tiềm năng lớn giúp phát triển kinh tế đất nước

Được biết, hằng năm, vùng nguyên liệu sâm núi cung ứng ra thị trường khoảng vài ba tấn sâm củ và lá. Ở thời điểm hiện tại, 1kg của sâm tươi có giá bán từ 60 đến 200 triệu đồng tùy theo độ tuổi, trọng lượng mỗi củ. Một kg lá sâm tươi khoảng 6 triệu đồng. Đối với hạt sâm giống dao động từ 70 - 100 nghìn đồng. Trước giá trị kinh tế mang lại vượt trội, người dân ở huyện Nam Trà My đã có nhiều thay đổi tích cực.

Ông Hồ Quang Bưởu cho biết: "Chủ trương của huyện chủ yếu phát triển người dân trồng sâm. Hiện nay được một điều là đã thay đổi nhận thức của người dân. Người ta không đốt nương làm rẫy mà họ ý thức được giữ nương rẫy đó cho rừng tái sinh và biết phục hồi rừng để làm vùng đệm trồng sâm."

Bằng nỗ lực tích cực của bà con cũng như chính quyền địa phương, phiên chợ sâm núi Ngọc Linh tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, thu về hơn 4,5 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác bảo vệ thương hiệu sâm được đưa lên hàng đầu trước thực trạng sâm thật, giả lẫn lộn.

Ông Trịnh Minh Qúy, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết: "Hằng tháng sẽ mở phiên chợ sâm, người tiêu dùng sẽ mua được sâm Ngọc Linh thật. Và định hướng tiếp theo là địa phương cũng có đề xuất với tỉnh Quảng Nam sẽ yêu cầu mua máy kiểm định sâm thật, sâm giả đặt tại trung tâm."

Trải qua hơn 40 năm từ ngày được phát hiện, cây sâm Việt Nam vẫn còn quanh quẩn trên sườn núi Ngọc Linh, các sản phẩm gia tăng từ cây sâm đang còn đơn điệu. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra lộ trình cụ thể, đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.



Tác giả: BT

Nguồn tin: http://www.antv.gov.vn


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ TẬP - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Tập - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập